SKIN TALK | Mỹ Phẩm Đắt hay Rẻ?
Ngẫm Tết đến rồi, nào lương thưởng hay lì xì, hay là tự thưởng cho bản thân sau một năm làm việc vất vả thì cũng là thời điểm móc hầu bao nhiều nhất trong năm. Mình nghĩ mọi người ắt hẳn phải ngắm nghía 1 em dưỡng da nào từ rất lâu rồi và đang trong tâm thế “…chắc là mình mua đó, nhưng mà…” Hôm nay mình tâm tình 1 tí câu chuyện muôn thưở “Có đáng khi bỏ thêm tiền mua dưỡng da không?” Is it worth paying for? Chắc đây cũng là câu hỏi với rất nhiều bạn, có cả 1 chủ đề trên reddit bàn tán xôn xao cũng như 2 thương hiệu mà tại Ồ Láng Viện tụi mình bị đặt ra nhiều nhất. Và cũng có thể, từ ngày The Ordinary ra đời. Link reddit mọi người đọc vui nhé: Chắc mọi người ai cũng sẽ thắc mắc: The Ordinary 12.30 USD cho 30ml so với Babyfacial là $80 cho 50ml. Một sự chênh lệch không hề nhỏ. Có so kiểu nào thì cũng là quá. Nhìn kỹ 1 tí thì uh Babyfacial nhiều thành phần dưỡng, hỗ trợ tốt hơn ấy, AHA của The Ordinay lại có nồng độ AHA mạnh hơn đó (30% vs 25%). Virgin Marula Oil giờ mua của The Ordinary hay Drunk Elephant??? Một trong những youtuber mình hâm mộ cũng làm cả bài so sánh: https://www.youtube.com/watch?v=KTcDn8qv4l4 Đắt hay rẻ, là một câu hỏi với mình mang tính chủ quan. Ngon, bổ, rẻ là cụm từ mình hay dùng với nhiều sản phẩm mình thấy hời thật sự. Thí dụ như B5 của La Roche Posay mình thích thật nha, 1 tuýp đã to mà còn rẻ, dùng với da đang bị kích ứng thì hợp thôi rồi. Đắt chưa phải là tốt, mà rẻ cũng không hẳn là tệ. Nếu đem 2 sản phẩm AHA nói trên so vớinhau thì càng khó phân biệt vì hiệu quả tức thì là có, hiệu quả lâu dài thì với mỗi người mỗi khác càng khó nói. Thêm 1 điểm đáng đề cập, trong skincare không phải cứ cùng 1 thành phần thì bạn phải cho ra kết quả giống nhau nữa…blabla đủ chuyện để nói nhé! GIÁ CỦA SẢN PHẨM KHÔNG LIÊN QUAN ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG TRÊN DA BẠN |
Phải nhận định là da không ai giống ai, mỗi ngày mình đều bán được 1 chai tẩy trang Bioderma Sensibio nhưng cá nhân da mình không ưa thích gì sản phẩm này. Clinique đắt và tốn gạo hơn nhiều nhưng da mình lại ưa. Xem dưỡng da cũng như thuốc vậy, mỗi sảm phẩm có dược lực (tác động lên cơ thể) khác nhau và đặc biệt ngược lại nói đơn giản thì là tác động của cơ thể lên thuốc đó (tính hấp thu, phân bổ, chuyển hóa và đào thải) của mỗi người khác nhau làm cho hiệu quả cuối cùng của sản phẩm rất khác nhau. Vậy bạn hỏi CÁI GÌ ĐI VÀO GIÁ THÀNH SẢN PHẨM để làm cho cái thì $8 cái thì $80? |
Nhiều người hay bảo nhau “hủ kem này nó tốn có $10 để làm ra thôi mà nó bán tới $50. Ngành mỹ phẩm là ngành siêu lợi nhuận. mày bị lừa rồi”. Mình khẳng định nha, mình hiểu cái này, thậm chí có nhiều bài phân tích thành phần của cái hủ kem đó tốn đúng $10 thật sự nhưng cái bạn cần hiểu là không có nghĩa là làm được cái hủ kem đó tốn $10. Bạn cho là các công ty lớn đổ hết tiền làm marketing, bao bì sản phẩm tốt xịn nên tính đắt hơn. SỰ THẬT: TRONG MỸ PHẨM, CẤU THÀNH GIÁ MỖI SẢN PHẨM CẦN NHIỀU HƠN LÀ BẢN THÂN CÁI TÊN GỌI THÀNH PHẦN LÀM NÊN NÓ dù chính hay phụ |
+ Thành phần: chiết xuất thực vật tốn tiền nhiều hơn rất nhiều so với các thành phần tổng hợp được. Không dừng lại ở đó, nguồn nguyên liệu kém phẩm chất cũng là một điểm đáng nói. Tưởng tượng như bạn thấy uống cà phê thì phải là cà phê Buôn Mê Thuột chứ không phải cà phê Gia Lai hay cùng là trái thanh long nhưng thanh long Bình Thuận ngon hơn hẳn khi trồng ở những nơi khác. Nguồn lấy được thành phần đó, chiết xuất hay tổng hợp được thành phần đó ảnh hưởng rất rất nhiều và là cái mà không công ty nào báo cho bạn biết. Chẳng lẽ công ty A đi thông báo cách tao tổng hợp được cái thành phần đó cho bạn nghe, nên cái mà bạn biết cuối cùng chỉ là cùng chứa sản phẩm A mà không biết làm sao có được nó. + R&D: nghiên cứu, phát triển và hơn hết là công thức của sản phẩm đó. Bạn có nghe đến 2 thuật ngữ thuốc generic và thuốc brand name chưa. Generic là một thuốc thành phẩm nhằm thay thế một thuốc phát minh được sản xuất không có giấy phép nhượng quyền của công ty phát minh và được đưa ra thị trường sau khi bằng phát minh và các độc quyền đã hết hạn. Loại thuốc “ăn theo” đó có thể mang thương hiệu khác nhưng không có bản quyền, và được gọi chung là generic drug (GD). Ví dụ: Tylenol (thuốc brand-name) và Acetaminophen cùng các thuốc cùng chứa paracetamol khác. FDA cho phép nhà sản xuất thuốc generic được thay đổi các dược chất phụ (inactive) trong công thức dù dược chất chính (active) vẫn phải giữ nguyên. Trở lại tại sao SkinCeuticals vẫn giữ giá chai CEF ở mình đắt gấp mấy lần mấy bạn tương tự sau này là vì vậy. Cũng như làm thuốc vậy, người ta cho rằng các nhà sản xuất thuốc generic đã giảm liều lượng cần thiết, hay không điều chế đúng cách, điều kiện môi trường sản xuất có tinh khiết hay không. Tất cả điều này rất quan trọng với một số chất hóa học hay dược liệu để chúng có thể giữ vẹn tác dụng hay chữa trị. Cùng một thành phần chính để được đưa ra và công bố với thị trường nhưng hệ tá dược ẩn sau đó là cả một câu chuyện mà không ai bắt bẽ hay đào sâu sẵn cho bạn nghe và đánh giá, nên cuối cùng người tiêu dùng cũng là lựa chọn BRAND mà mình tin tưởng đi nhé! + Testing – thí nghiệm: tiền cho cái này quan trọng mà không biết là mỗi brand họ chi bao nhiêu thôi nè. Bao nhiêu brand là bạn thấy có thí nghiệm lâm sàng (Obagi, SkinCeuticals, Clinique…là một số tên mình tạm nhớ). Một sản phẩm chỉ được gọi là thay thế đúng nghĩa nếu chứng minh được chế phẩm đó có mức độ và tốc độ hấp thu dược chất (sinh khả dụng) gần giống với sản phẩm kia (đánh giá tương đương sinh học) hoặc chứng minh được tương đương lâm sàng (chế phẩm tạo đáp ứng dược lý và kiểm soát được triệu chứng bệnh ở mức độ giống sản phẩm so sánh). Bao nhiêu brand có thể chỉ ra các thực nghiệm họ đã làm hay chứng minh cho bạn thấy hiệu quả thực tế trên da của khách hàng. Thế nên, nếu phải phân ra thì mình nhận định như sau: + Drugstore Brands: như Alpha Skincare, Olay hay Neutrogena, bao bì và công thức đơn giản, hiếm khi bạn thấy có thành phần actives mà nếu có actives như Alpha Skincare có 10% AHA thì bạn cũng sẽ thấy nó siêu khác khi đem so sánh với các tên tuổi khác. + High-end brands: như Estee Lauder, La Mer tập trung nhiều hơn ở trải nghiệm của khách hàng, sản phẩm không chua hôi như kiểu của Obagi, kết cấu mướt mượt tốt hơn nhiều so với mấy bạn khác, lên da là thấy đã đó, hơn hết là hay kiểu thêm những nguyên liệu thành phần lạ vào nồi lẩu của mình dù chỉ có 1 giọt và hay hơn nữa, tên tuổi quá vững ở phân khúc high end ở những khách hàng luôn cho đồ rẻ là đồ hôi. Dù sao, nếu bạn có tiền thì chi cho mấy thương hiệu này cũng còn hơn nhiều lắm nhé! + Professional Brands như SkinCeuticals, Obagi, Dr Dennis Gross thì lại tập trung vào thành phần actives, dùng nhiều mấy thành phần được chứng minh khoa học cụ thể, rõ ràng, nhưng đồng thời giá cũng tính đắt hơn do độ chuyên nghiệp, tin cậy và công nghiên cứu nhiều. SO, WHICH SKINCARE PRODUCTS ARE WORTH THE PRICE? Người ta nói mua dưỡng da là một khoảng đầu tư đó. Vậy bạn nên để tiền của mình vào đâu? |
Câu trả lời của mình sẽ là và vẫn luôn là không phải vì thương hiệu gì, drugstore hay high-end, tất cả nằm ở thành phần của sản phẩm. Tìm hiểu loại da của bạn, nhu cầu của bạn, và thành phần có thể giải quyết được vấn đề đó của bạn. Sau thành phần thì hãy đến thương hiệu làm cho bạn tin tưởng một cách khoa học nhất. Sau đó thì hãy đến những phần cảm tính mà bạn có thể chi thêm tiền, 1 tí cho trải nghiệm của bạn như bao bì, kết cấu, chỉ là đừng bỏ tiền mua mấy công thức rao xịn, bao bì cũng xịn mà thành phần như…. TIP: 1/ Hãy luôn chi nhiều tiền hơn cho active ingredients và các cái tên như Retinoids, C, AHA, BHA, Niacinamide… Nếu đã mua active ingredients thì hãy chịu chi hơn 1 tí, vì công thức, cách tổng hợp, hệ dẫn khác nhau ảnh hưởng rất nhiều. 2% BHA của Neutrogena thật sự nó khác nhiều 2% BHA của Paula’s Choice. SkinCeuticals sống tới ngày hôm nay và chai CEF thần thánh đó chưa có bản dupe đâu (trước đây mình cũng nghĩ là có á, mà dùng nhiều rồi mới thấy T_T) Hãy luôn cân nhắc thật kỹ khi bạn có ý định mua các thành phần vẫn được liệt vào danh sách “questionable agents” (còn nhiều dấu chấm hỏi, chưa được chứng minh rõ ràng) nhưng lại charge bạn đắt gấp 5 đến 10 lần các thành phần khác. Rất nhiều chứ không ít đâu nhé,chẳng hạn: vàng (gold), platinum, caviar, silk, ursolic acid, Planifolia…Các công ty tung ra các sản phẩm chứa các thành phần này đều bỏ ngõ câu trả lời khi dữ lắm chỉ đưa ra được một vài nghiên cứu trên giấy mà thậm chí không hề có một thí nghiệm lâm sàng nào back up (thí dụ La Prairie, Sisley, Kanebo…) 2/ tập trung vào 5 thành phần đầu của bảng thành phần. Đây là điểm khá dễ, Vitamin C mà nằm trong top 5 thì khả năng làm sáng da, tăng sinh collagen đều được chứng minh. Trừ retinol, dù không phải 1% tối đa và không nằm trong top 5 đầu tiên thì cũng OK nếu nằm gần cuối vẫn hiệu quả nhé. Trên đây một lần nữa là quan điểm cá nhân của mình thôi nhé, mình lựa sản phẩm thế nào hy vọng trong bài viết đã giải thích một phần cho bạn. Còn bạn thì sao? À, The Ordinay mua để test là tuyệt vời nhé, biết đâu mình lại hời vì vừa không kích ứng gì lại còn hợp da ^^ Chúc bạn sẽ tìm được những khoản đầu tư cho da tuyệt với nhé! |